Sau những ngày Tết cổ truyền là dịp để chúng ta du xuân, đi lễ chùa, cầu mong một năm mới nhiều may mắn và tài lộc. Năm nay, Công ty Cổ phần CONINCO- Thăng Long tổ chức du xuân tại đền Và, chùa Mía (Sơn Tây) với sự tham gia của nhiều CBCNV Công ty.

Từ trung tâm thành phố Hà Nội, theo đại lộ Thăng Long đến địa phận thôn Vân Gia, xã Trung Hưng, thị xã Sơn Tây, Hà Nội, chúng ta sẽ gặp Đền Và. Nơi đây thờ thần núi Tản Viên, vị thần đứng đầu trong Tứ Bất Tử của tín ngưỡng dân gian Việt Nam. Đền Và được xây dựng trên một khu đồi có diện tích khoảng 17.500m2, xung quanh có nhiều cây lim cổ thụ. Khuôn viên của đền rộng khoảng 2.000m2, được bao quanh bằng tường đá ong cao 2,15m. Đền Và là một trong những ngôi đền tín ngưỡng thờ Tản Viên Sơn Thánh.

Các CBCNV tham quan và đi lễ tại đền Và (Sơn Tây). 

Cách Hà Nội chỉ tầm 40 km, Chùa Mía là nơi hội tụ quần thể di tích đền chùa được xây dựn g từ lâu đời. Đây là vùng đất mang nhiều nét truyền thống với lối kiến trúc cổ xưa độc đáo. Cái tên “Chùa Mía” bắt nguồn từ bà Chùa Mía. Tương truyền từ thuở xa xưa người dân nơi đây mến mộ uy đức của cung phi đã đứng ra tôn tạo lại chùa nên tạc tượng bà đem thờ trong chùa và tôn sùng bà thành Bà Chúa Mía. Cho đến ngày nay, chùa được tu bổ nhiều lần nhưng vẫn giữ nguyên được kiến trúc và quy mô.

Kiến trúc chùa Mía gồm các tòa tam quan; thượng điện; chính điện; nhà tổ và hành lang nối kề nhau theo mô phỏng hình chữ Mục. Vào bên trong là nội điện gồm tiền đường, bảo điện, đại hùng, thượng điện uy nghi, bề thế. Tượng Phật trong chùa Mía có phong phú cả về số lượng và hình dáng. 287 pho tượng là 287 gương mặt; dáng vẻ hoàn toàn khác nhau và được bài trí một cách hợp lý. Nổi bật nhất phải kể đến tượng Tuyết Sơn, Bá Đại Hòa Thượng, bà Chúa Mía hay Tượng Quan Âm Nam Hải. Một nửa số tượng trong chùa được tạc bằng gỗ mít và sơn son thếp vàng bên ngoài. Riêng tượng bà Chúa Mía tạc bằng gỗ mít và đặt trong khám gỗ sát Tam bảo điện.

Mọi người cùng lưu giữ bức ảnh kỷ niệm tại chùa Mía.

Chụp ảnh tại đình làng Mông Phụ.

Bình yên nơi làng quê tại làng cổ đường Lâm.

Sau khi tham quan chùa Mía, cả đoàn cùng di chuyển sang khu di tích Làng cổ đường Lâm với Đình làng Mông Phụ mang đậm dấu ấn kiến trúc Việt cổ xưa, đền thờ Phùng Hưng và các ngôi nhà cổ nổi tiếng. Tại đây, mọi người vừa được tham quan các kiến trúc cổ xưa vừa được thưởng thức một số món đặc sản, phải kể đến như: bánh tẻ, chè lam, kẹo dồi, tương bần, rượu nếp cẩm.

Chuyến du xuân kết thúc tốt đẹp trong không khí vui tươi của tất cả CBCNV trong đoàn. Mọi người vừa có một buổi du xuân ý nghĩa, vui vẻ, đoàn kết, vừa mua được quà về cho người thân, gia đình nữa.